Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

VIÊN SỎI

Già rồi, bắt đầu nghĩ về quá khứ, thỉnh thoảng lại hoài niệm về bạn bè, bạn thân, sơ, bạn làm ta vui và bạn làm ta buồn. Lần này thì về Anh Thắng (đầu lĩnh nhóm uống chè mà mình đã có dịp nhắc đến trong 60 NĂM TRUYỀN THỐNG). Anh hơn mình 5 tuổi, đã ở chiến trường 5 năm, về học Văn hóa cùng mình sau học ở khoa bộ binh (sửa chữa vũ khí bộ binh), Anh người nhỏ, rất hiền, nói rủ rỉ, rù rì nhưng ý tứ gọn, chắc, nhà ở 94 Nguyễn Du, Hà Nội, hồ Ha le ở chếch trái trước nhà. Năm ấy Anh 30 tuổi và đang yêu một Chị 28 tuổi cùng phố. Lại nói đơn vị mình lúc đó ở cách Chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai khoảng 2 km nên rất hay ra chơi chùa. Một lần Anh rủ mình đi chơi Chùa và bảo chỉ một mình mình đi, không được gọi thêm ai, đến chùa Anh bảo với mình, chủ nhật tới Chị ra thăm Anh nên hai Anh Em đi trước để chọn chỗ chơi và dàn cảnh (nay gọi là kịch bản) cho Chị cảm động để thêm yêu.
Nên nói về Chùa một chút, Chùa Thầy được xây dựng trong dãy núi Sài sơn, dãy núi này nằm giữa vùng đồng bằng nên rất khác biệt về cảnh quan, dãy núi hơi cong lồi về phía tây bắc, Chùa nằm trong vùng lõm phẳng phía đông nam, trước Chùa có hồ tụ thủy, nên khu Chùa mát và đẹp. Trong dãy núi có hang Cắc cỡ, hang có hai tầng, người vãn cảnh chỉ xuống được đến tầng 1, sâu khoảng 40 mét, tầng hai sâu bao nhiêu không rõ, đáy hang có nhiều đầu lâu tương truyền của quân sĩ chống giặc Nam Hán.
Một vài ảnh Chùa
            

và hang Cắc cỡ
Khi xuống do hang ẩm ướt, hẹp và tối nên các bạn nữ thường sợ hãi bám chặt bạn trai, còn bạn trai thì ôm giữ bạn nữ, bám chặt và ôm giữ, ôm và bám vào đấy, vào đâu thì tùy người, tùy cảm xúc mỗi người. Chính vì vậy nên có câu ca :
Gái chưa chồng trông hang Cắc cỡ
Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy.
Nhưng khi đi lên thì bậc hang lại sáng rất rõ nên đôi bạn khúc khích bàn lại chuyện bám, ôm ... để trông và nhớ.
Chùa còn nhiều tiểu cảnh đặc trưng khác, nhưng trong ký ức mình thì hang Gió (Chính là khe núi ở ảnh 1) phía sau Chùa đến nay vẫn hiển hiện, bởi ở đây Anh Thắng và mình phác họa là, sẽ treo võng ở vị trí nào, ngồi cạnh nhau ở đâu ... Anh lại tỉ mẩn nhặt sẵn hai viên sỏi đẹp để vào chỗ mà khi ngồi với Chị, Anh làm như vô tình trông thấy, Anh sẽ nhặt và nói Chị giữ gìn nó như gìn giữ tình yêu ... Ngay khi rời khỏi hang mình chợt nảy ra ý tinh nghịch nên nói với Anh là, Em quên con dao bấm để quay lại hang, ở đó mình đút túi hai viên sỏi của Anh và thay hai viên khác vào. Sáng chủ nhật đứng ngồi không yên vì hai viên sỏi, nên mặc dù đang phiên trực mình cũng chạy chối chết ra Chùa, lên hang trả lại hai viên sỏi của Anh và nhặt một trong hai viên sỏi mà mình đặt vào hôm trước, với suy nghĩ : Có người con gái nhặt được viên sỏi của mình để lại đó... chuyện cổ tích sẽ bắt đầu. Hôm nay khi viết những dòng này mình chưa biết viên sỏi đó đi về đâu hay vẫn lặng yên nơi đó, còn viên sỏi mang về thì đây, mình đang ngắm nó và hiểu rằng ... chuyện cổ tích vẫn chưa bắt đầu.
Viên sỏi và kỷ niệm. Kỷ niệm của viên sỏi.
Kỷ niệm trong tôi
như
tiếng sỏi
rơi
trong lòng giếng cạn
(Thơ Văn Cao)
Kỷ niệm đang rơi, tiếng rơi khô khốc và lành lạnh trong thời gian mà nó mang, trong lòng người mang nó. Kỷ niệm về tình yêu, công việc, về những người đã quen, những việc đã làm. Viên sỏi của Mình và tiếng sỏi của Văn Cao.
Thảng thốt : TA ĐÃ GIÀ.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

MỘT SAI. DÂN NGHĨ TRÊN DÂN TRÍ

Đọc bài NÀY trên Dân trí. Tôi xin cắt dán hai đoạn sau :
Đoạn 1 : Khi đón ông Được trở về, 3 ngày sau thì anh Lợi lọc cọc chở chú lên UBND xã báo cáo chính quyền địa phương. Anh đưa chú lên trình xã không phải là để yêu cầu xã có chế độ đãi ngộ cho một liệt sĩ còn sống trở về mà chỉ đơn giải là để công an khỏi bắt chúkhi phát hiện thấy người lạ mà không có giấy tờ ở địa phương.
Đoạn 2 : Sáng ngày 21/6, chúng tôi liên tục liên lạc với Chủ tịch huyện Tiên Lãng chỉ mong xin ông 5 phút hỏi ý kiến của chính quyền về trường hợp của ông Được. Rất tiếc, ông Chủ tịch huyện từ chối với lý do bận. Gõ cửa ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện thì may mắn được ông chấp nhận làm việc, "hạn định" cho phóng viên đúng 15 phút. Tại buổi làm việc ông Khánh thừa nhận: Trong vấn đề liệt sĩ Được còn sống trở về, huyện rất bị động, còn xã thì chậm trễ. Mà sai sót chính là cũng tại gia đình ông Được.
Để nói rằng : Nếu Báo Dân trí sai thì phải có đính chính và xin lỗi. Nếu Báo Dân trí đúng thì đuổi loại cán bộ đó đi ( Tôi dùng từ "đuổi" ).
Tôi lại xin cắt và dán hai đoạn nữa :
Đoạn 1 : Đêm thứ 4 sau ngày ông Được về lại quê hương, anh em anh Lợi cũng phân trần với ông Được: "Chú ạ, nếu giờ mà cháu kêu gào lên, chạy đi gõ cửa nhiều nơi thì người ta cũng có thể cho hưởng chế độ này kia. Nhưng mà hoàn cảnh cháu nghèo khó không biết vay mượn vào đâu. Mà làm như thế hóa ra xương máu chú đổ xuống thành ra vô nghĩa. Thôi mình bỏ ý định ấy đi".
Đoạn 2 : Có người đã cho suy nghĩ của anh em anh Lợi là “khù khờ”, “sỹ diện” nhưng tận sâu trong lòng anh đã không có hi vọng. Anh nói: "Tôi chứng kiến nhiều trường hợp ngoài xã hội khi chạy vạy đi làm chính sách rồi, gian nan lắm. Vì thế xét khả năng của mình, tôi đã không tin và chưa từng hi vọng, chú mình sẽ được hưởng chế độ chính sách của nhà nước".
Để nói rằng nếu Dân trí tường thuật chính xác thì ... Tôi chưa nghĩ ra cách nói cho đúng thực trạng, xin được khi nào nghĩ ra thì nói sau. Tạm xin góp ý với Ông Phạm Huy Hoàn nên đổi tên báo Dân trí thành Dân nghĩ thì phóng viên của Ông nhàn, không cần viết chỉ việc ghi ( ghi âm, ghi hình, ghi cảnh ...) lại trong DÂN và biên tập, phát, chắc chắn được DÂN đọc.
Ngoài việc ngưỡng mộ Ông Phan Hữu Được, Tôi thấy hiện tượng của Ông đã : Lột tả sự tàn nhẫn của chiến tranh, Đánh thức lương tâm con người đang nguội lạnh, Đoàn kết lòng người đang ly tán, Đánh giá trình độ công vụ và đạo đức cán bộ, Gợi ý cho chỉnh sửa pháp luật vì DÂN ...
Ghi thêm (27/6/2013) : Do vẫn nặng lòng với thông tin về Ông Phan Hữu Được nên tôi đọc lại và thấy bài đã sửa mà không có đính chính nên lại phải ghi thêm hai ý như sau :
- Ở đoạn kết sau câu "Gợi ý cho chỉnh sửa pháp luật vì DÂN ..." xin ghi thêm : và thói lươn lẹo của phóng viên viết bài, biên tập viên biên tập bài này.
- Và góp ý thêm cho Ô Tổng biên tập : Hoặc là Ông phải kỷ luật cán bộ hoặc Ông nên đổi tên báo của Ô thành gì Ô có biết không, chỉ một dấu thôi, chỉ thay một dấu  ... thay sắc bằng ngã.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

PHIÊN BẢN

Mình trực tiếp tham gia giao thông bằng các loại phương tiện như Xe đạp, Xe máy, Ô tô, các phương tiện đường thủy và đường không mình tham gia gián tiếp. Mình nhận xét thế này :
   - Về tham gia : Khó tham gia đúng luật. Ví dụ : Trên đường một chiều có giải phân cách mềm chỉ cần hai chiếc Xe máy đi ở đằng trước là Ô tô đi sau phải cán vạch phân cách đường, vì còi đến mấy xe máy cũng không tránh và cứ đi từ từ. Ví dụ : Trên đường một chiều có giải phân cách cứng, Xe máy đi đằng trước mình có thể rẽ bất tử mà không xin đường, thậm chí ở đoạn không có chỗ rẽ vì người lái xe máy " chợt nhớ ra ....". Ví dụ : Khi có đèn xanh ở hướng này thì ở hướng vuông góc người đi bộ vẫn vô tư qua đường.  Bởi vậy mới có cụm từ "trông nhau mà đi" chứ không là "đi đúng luật".
   - Về điều hành : Chỉ phạt lỗi đễ bắt, chưa có điều hành. Ví dụ : Chỉ chăm chú phạt lỗi : Không đội mũ bảo hiểm, ít đi tuần trên đường để phạt các lỗi khác. Ví dụ : Gần như 100% kết luận của Cảnh sát với lỗi khi tham gia thông là : Lỗi tổng hợp, thiếu quan sát. Mà không là : Phương tiện A đúng luật, phương tiện B sai luật (Điều?, mục?). Bởi vậy mới có cụm từ : Như trên.
Và mình nhận thấy hình như : Xã hội cũng na ná như giao thông cả về tham gia xã hội và điều hành xã hội. Bởi vậy mới có cụm từ "trông nhau mà sống" chứ không là "sống đúng luật". Cái na ná này mình gọi là : Cùng  phiên bản. Một phiên bản.

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

HAI CẢM NHẬN

Một là : Ảnh chụp hai cửa sổ trên một màn hình trang web của Thủ tướng.
Xem ảnh chụp cửa sổ này mình tin đây là trang web của Thủ tướng, bởi tiêu đề hai bài đúng văn phong truyền thống. Đúng lắm.


Nhưng xem ảnh này lại không tin đây là trang web của Thủ tướng, bởi tiêu đề và nội dung các bài viết có văn phong khác lạ. Khác lắm.


Hai là : Hai Blogger có lộ bí mật của tổ chức không, khi cả hai không thuộc tổ chức, không được biết bí mật của tổ chức thông qua các tài liệu được cấp phát, hoặc trao đổi trực tiếp hoặc các cuộc họp nội bộ. Diễn biến thế này : Đã có người của tổ chức tiết lộ tin bí mật cho hai hoặc nhiều người biết, hai người đã biết tin lại thông tin tiếp tin không bí mật nữa ( đã lộ rồi ). Không được giao giữ gìn tin thì không thể làm lộ tin. Lại ný nuận khác, các tin được qui là làm lộ bí mật của tổ chức, sau đó vài ngày đã được tổ chức phát tin công khai, nội dung tin trùng khớp thì gọi là gì ? Truyền tin trước khi được phép chăng? nhưng ai cho phép? thế nào là được phép? phải xin phép ai?. Như vậy khẳng định trong trường hợp này chỉ nên hỏi là : Do đâu mà có?. Theo luật về thông tin hiện hành thì người thông tin có hay không bắt buộc phải trả lời?. Mình rất phân vân vì mình cổ xúy cho trường phái xuất sứ, là này, mình thường nói với bạn : Người bán thuốc ( Thuốc tây chữa bệnh ấy ) không thể nào phân biệt được thuốc giả, thật, chứ đừng nói là thuốc không đủ hàm lượng, Vậy thì phải theo xuất sứ, tức là người giao thuốc phải chịu trách nhiệm và cứ theo đó lần về trước. Trách nhiệm của người bán thuốc là phải chỉ ra người giao ( xuất sứ ), nếu không chỉ được thì bị phạt nặng, thật nặng. Và đây là cảm nhận ban đầu của mình : Có lẽ luật về nguồn thuốc và luật về nguồn tin là khác nhau về điều chỉnh này : Phải chỉ ra hay được phép giữ bí mật nguồn cấp tin, cấp thuốc? Trường hợp nào được bí mật? trường hợp nào phải chỉ ra?. Nhân Quốc hội đang họp mình đề nghị Quốc hội ra luôn luật XUẤT SỨ, để điều chỉnh qui định cấp nguồn  biết đâu luật này lại là :
- Chặn đứng, đẩy lùi.
- Khắc tinh của gian thương.
- Cơ bản của quan hệ.
- Mở ra thời kỳ mới. Đánh dấu thời đại.
- Thấm đẫm nhân văn.
- Tinh hoa của trí tuệ.
- Lần đầu tiên có luật.
Nhiều lắm theo cách đặt tít thời nay. Biết đâu, biết đâu đấy.
Vẫn là cảm nhận.Cảm giác nhận thấy...

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

CÓ VẺ

Năm 1993 khi đang nằm ở bệnh viện Gang thép điều trị Cao huyết áp, các bạn mình đến thăm và hớn hở khoe : Anh Tần ( mình đã viết trong : TẦN CÚC ) được gần như tuyệt đối phiếu còn Anh C ( Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ trước Đại hội ) chỉ được trên quá bán trong bầu Đảng ủy nhiệm kỳ này. Mình nói : Tuyệt đối thì Đảng ủy viên, quá bán là Bí thư. Bầu cho có vẻ thôi, đã cơ cấu xong rồi. Khi mình tham gia họp Đảng ủy, trước Đại hội, Đảng ủy dự kiến danh sách bầu cử, ứng cử Ban chấp hành đảng bộ xí nghiệp để thông qua đại hội. Cơ cấu 01 nữ, 01 trẻ, có thành phần của Công đoàn, Cựu chiến binh, Phòng Nghiệp vụ này, Phòng nọ, Phân xưởng kia  ...  Lập danh sách theo cơ cấu vừa đủ 11 người. Đồng chí Bí thư giới thiệu thêm một nữ Đảng viên là Phó Ban Nữ công xí nghiệp để kiện toàn danh sách đề cử, việc giới thiệu này vừa là có số dư trong danh sách bầu vừa là để bồi dưỡng nhân sự Đảng ủy các khóa sau. Nhất cử lưỡng tiện, có vẻ rất dân chủ rồi. Đến Đại hội sau nếu không thích Đồng chí X đang phụ trách Công đoàn/hoặc Cựu chiến binh/hoặc Phòng Nghiệp vụ này/hoặc Phòng nọ/hoặc Phân xưởng kia  ... thì cơ cấu thành phần khác đi để Đồng chí X đó không có trong danh sách bầu, Đồng chí Y sẽ có. Danh sách này vẫn có vẻ rất dân chủ rồi. Đấy là Đảng ủy cử, Đảng viên bầu. Ra Đại hội Đồng chí được cử làm Trưởng ban kiểm phiếu chỉ cần thuộc hai câu ( Chứ không phải năm nội dung như trong bàì CHỢT NHỚ ANH TÀI ở blog này đâu ). Hai câu đó là Câu 1 : Có ai ứng cử không ạ.? Câu 2 : Có ai đề cử thêm không ạ? Thường là không, nếu có ý kiến ( thường là của các Đảng viên mới kết nạp, chưa quen sinh hoạt Đại hội Đảng ) thì đã có các trung vệ thòng ở Đại hội thu hồi bóng và kiến thiết lại rất chuyên nghiệp với thái độ hơi lúng túng, hơi thật thà hay hơi gì gì đó ( như là chính kiến của cá nhân ) cho có vẻ dân chủ. Đến nay tình hình này đã khác, ít nhất là ở các Đảng bộ các Doanh nghiệp, cái khác này sẽ viết vào dịp khác.
Mấy hôm nay hệ thống thông tin đang loan tải tin về : Quốc hội  lấy phiếu tín nhiệm với 47 Cán bộ, mình không dẫn link vì hầu hết các Báo, Đài, Hãng tin đều đăng, mình cũng không bình luận cao, thấp vì có quá nhiều bình luận rồi . Nhưng mình thấy hình như : Có vẻ là Quốc hội đang làm việc khó, việc tốn thời gian, việc tốn công sức của toàn Quốc hội mà không làm việc dễ, ít thời gian, ít công sức hơn : Đó là bỏ phiếu bất tín nhiệm một thành viên Chính phủ /hoặc Chính phủ, khi có x Đại biểu ( Do Quốc hội qui định ) đề nghị bất tín nhiệm thành viên đó/hoặc Chính phủ trước mỗi kỳ họp.

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

TÔI NGHĨ

Đọc bài NÀY Tôi tâm đắc nhưng Tôi nghĩ, với Việt Nam nên là :
- Nông nghiệp : Nghiên cứu phát triển giống mới và canh tác các giống mới có giá trị kinh tế cao. Tức là dựa vào đất và đặc điểm khí hậu.
- Du lịch : Xanh và Điều dưỡng, chữa bệnh. Vẫn là đất và khí hậu thêm đặc tính ưu điểm của người VN.
- Công nghệ thông tin. Dựa vào đặc tính ưu điểm của người VN.
- Công nghiệp Biển. Trong tương lai thậm trí nên coi trọng phát triển hơn cả.
Và vui vui là : Sản xuất vũ khí. Nghiên cứu và sản xuất xuất khẩu các vũ khí độc đáo đã có hiệu quả sử dụng thực tế trên chiến trường. Với các loại mác : Cái này thắng Nhật, cái này thắng Pháp, cái này thắng Mỹ, cái này thắng Trung Quốc. Chắc bán được giá cao, biết đâu nhỉ ?. Cũng có thể đổi tên gì gì đó để Quốc gia chưa bao giờ thắng ai mua nhiều nhất, tên gì nhỉ ?.
Tôi nghĩ vậy.

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

BẠN TÔI ... ĐẬP VÀO BỜ.

Bạn Tôi tên là Phạm Khắc Duyến con Ông Phạm Khắc Quán, cháu Ông Phạm Khắc Hòe và tất nhiên là Em  của Ông Phạm Khắc Lãm và Bà Phạm Thị Thành rồi. Nói về xuất thân của Bạn để nói về một vài điều sau đây của Bạn.
Bạn là thứ ba trong nhà, trên là hai Chị, dưới là hai Em trai. Bạn đẹp trai, rất đẹp trai, học giỏi và nhiều tài lẻ nên được gia đình rất cưng chiều, bạn bè quí nể. Tôi học cùng Bạn ba năm cấp 3 ( 1969-1972 ) và thân, năm 1972 Bạn thi đại học và học khoa Vô tuyến điện tử, Đại học Bách khoa ( hình như là oách nhất Bách khoa thời bấy giờ ), nhưng chỉ là dự thính vì không cắt được hộ khẩu. Lý do đơn giản ở thời đó : Gia đình chưa có người đi bộ đội. Hai Chị đều đang học đại học và hai Em thì tất nhiên là chưa đủ tuổi rồi. Bố Bạn đang là Chánh văn phòng Khu Gang thép ( năm 1973 chuyển về Hà Nội ). Tết năm 72 sang 73 Bạn lên đơn vị thăm mình và tâm sự nhiều, trong đó có ý là đằng nào cũng đi bộ đội, đi luôn như Nam lại hay, thi vào đại học mà học dự thính để làm gì ?. Đằng nào cũng chết thì Đại học cũng để làm gì ?. ...
Sau lần gặp nhau đó, vào đầu năm 73 Bạn có giấy gọi nhập ngũ, huấn luyện ở Phú Bình 3 tháng và vào Nam chiến đấu, khoảng một năm rưỡi kể từ khi nhập ngũ Bạn liên tục gửi thư cho mình, nội dung các lá thư chủ yếu như một loại nhật ký ( Thời đó hầu hết bọn mình đều ghi nhật ký và rất hay làm thơ ). Bạn chết tháng 3 năm 1975 tại Xuân Lộc. Hoàn cảnh hy sinh của Bạn như sau : Đơn vị chiếm được Xuân Lộc rồi, Bạn nhận nhiệm vụ tảo thanh địch trong các hầm chiến đấu và bị trúng đạn bắn thẳng. Sau giải phóng mình có về thăm nhà Bạn ở 36 Quang Trung, Hà Nội, có gặp đủ gia đình và sau đó có gửi lại cho gia đình tất cả thư Bạn viết cho mình theo yêu cầu tha thiết của gia đình (Đưa trực tiếp cho Bác trai vì lúc đó Bác gái đang yếu). Mình nói kỹ về chuyện này để nói sang chuyện khác. Đó là sau này khi đọc nhật ký của một số người khác, trong đó có Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm ... Mình thấy cách ghi và ý tứ trong các nhật ký đó na ná như nhau vì cùng được đào tạo, trưởng thành trong một mái trường. Thậm chí chỉ dẫn về nơi có thể hy sinh chỉ là đơn giản thế này : Khi nhận nhiệm vụ chiến đấu có thể dẫn tới hy sinh, người lính thường viết sẵn thư cho gia đình dự kiến trước việc đó và gửi lại đồng đội, nếu hy sinh thật thì đồng đội gửi thư đi, nếu chưa hy sinh thì lấy lại thư. Tất nhiên so sánh là vô cùng vì Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm là Anh hùng còn Bạn mình thì chưa, nhưng ngoài sự phong Anh hùng thì rất nhiều sự giống nhau giữa họ : Cùng học Đại học, cùng học giỏi, cùng chiến đấu kiên cường, cùng hy sinh anh dũng với những chi tiết na ná nhau.
Bây giờ xin vào suy nghĩ của mình. Chuyện là thế này : Khi đọc các bài viết về : Đục bỏ tên tác giả bài thơ về  người lính Quảng Trị ở Đây và ở ĐÂY mình buâng khuâng nghĩ : Anh Thạc, Chị Trâm, Duyến và bao nhiêu nhiêu Liệt sĩ Anh hùng, Liệt sĩ chưa Anh hùng sẽ nghĩ gì ? Nếu phát biểu thì họ sẽ phát biểu gì ?. Anh Thạc, Chị Trâm, Duyến đều học giỏi và hay làm thơ, đều ghi nhật ký. Liệu họ có xin sửa thơ của Lê Bá Dương thành thế này không :
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Đập vào bờ, đập vào bờ ...  Hỏi mãi ngàn năm?
Duyến ơi ! Có sửa ?.