Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

CHỈ LÀ LỊCH SỬ.

Châu bản, châu phê và gì, gì nữa bây giờ đang chiếm nhiều thời lượng, hệ thống thông tin đã coi, ví nó là vàng ròng mà cha, ông để lại. Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm, những Di sản tư liệu và gì nữa. Chỉ xin trích :
"Trưởng đại diện văn phòng  UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin cũng vinh danh Châu bản triều Nguyễn là tư liệu văn hoá, chính trị có giá trị to lớn, đưa người đọc ngược trở về hơn 155 năm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biêt, Châu bản còn phản ánh cam kết phát triển lâu dài của dân tộc như: Vua Gia Long (trị vì từ 1802- 1820) đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, học tập tại Văn miếu Quốc Tử Giám; Vua Minh Mạn (năm 1825) ngự phê phân phát đồ cứu tế, giảm thuế cho nhân dân vùng thiên tai; Vua Thành Thái mở trường quốc học năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về nền văn minh phương Tây và ngự phê đặt mua các tờ báo bằng tiếng nước ngoài.
"Đây chỉ là một vài minh chứng cho thấy, Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển giáo dục, khoa học, văn hoá và giao lưu quốc tế. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại thế nào khi nói về văn hoá, giáo dục", bà Katherine nhấn mạnh."
Để cho rằng đủ. Xin không trích những phát biểu của các Ông bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Hoàng Anh Tuấn, các nhân vật cao cấp gì gì nữa vì có quá nhiều tính từ có cánh trong những trường hợp như này.
Xin trích tí chút này trong quá nhiều tài liệu, sách vở, hồ sơ :
"Bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời: ... nỗi căm giận tuyệt vọng trước sự thối nát của giai cấp thống trị, với nỗi xót xa trước những ..".
 "xã hội phong kiến Việt Nam đã .... với giai cấp thống trị thối nát, với bộ máy quan liêu, chuyên quyền, lũng đoạn".

Để thấm thía. Nếu ta nói về chế độ cũ bằng những lời chê trách nặng nề, miệt thị, bằng ví von thối nát thì lời nói của ta thêm vào cùng lịch sử của chế độ ấy. Nó làm ta liên tưởng đến câu : Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng một khẩu đại bác (xin lỗi không rõ xuất xứ câu này).
Thế hệ sau ta nhìn cái chế độ mà ta nói tới, bằng nhãn quan của thế hệ, trong cái nhãn quan ấy có thể có hiểu khác, phát biểu khác, và do vậy họ hiểu được thêm về lời nhận xét của ta, tức hiểu thêm ta. Nếu tính theo chế độ thì như đã nhận thấy, trong cùng một chế độ đã có thể thành nhân - quả rồi, vừa "thối nát" đã "vàng ròng" không cần phải đợi đến chế độ khác nữa, rút lại lời nói thì muộn rồi, tên đã bay, lời đã nói. Lịch sử trôi theo thời gian nên có muốn đào, hót đổ đi cũng chẳng thể, muốn tụng ca cũng chẳng được. Lấy đất của lịch sử để tô son, tạc tượng đặt lên bàn thờ, bảo rất vinh quang, hay làm thành mảnh chĩnh, mảnh sành vứt bỏ bụi tre, để bảo rằng thối nát. Nếu ta làm thế, thế hệ sau sẽ đánh giá về ta đấy, đánh giá cái cách phán xét ấy đấy. Chỉ có thể bảo tồn, duy tu, phục dựng hoặc đánh dấu, để các thế hệ sau bằng nhãn quan đương đại đánh giá theo cái thực thể, cái hình ảnh, cái đánh dấu đã để lại ấy và tự hiểu, tự suy tư.
Một công hàm hay công thư (xin tếu là công bút) đã lịch sử rồi . Có thể bàn về công bút đó trong thời gian hiện tại, bàn về ảnh hưởng của nó trong thời gian thực này, bàn về cái đang trên cái đã, cũng có thể bàn về nó với nhãn quan hôm nay để nói đã hạn chế hoặc tiến bộ thế nào so với hôm nay, mọi khen chê đều thừa. Châu phê hay công bút sẽ được bàn về đóng góp của nó với quá khứ, nhưng cần hơn vẫn là trong đời sống thực, để nói người nhìn xa, trông rộng, để nói thiển cận, biết gần, để với tương lai.
Thế đấy. Càng hiểu câu này : Mỗi thời đại đều có cái vinh và nhục của nó. Câu mình đọc được trong "Về chuyện ấy" của TSKH Hồ Ngọc Đại, là trích dẫn của chính tác giả, sau đó mình xem ở báo Hoa Học trò, có một phỏng vấn về tương lai thế hệ trẻ, Ông cũng nhắc lại luận điểm này khi nói : không dám nói là định hướng cho thế hệ trẻ phải làm gì (xin xem HỌC GÌ.). Đọc xong sách của Ông, mình hiểu "chuyện ấy" trong mỗi thời đại cũng có vinh và nhục khác khau. Thời nguyên thủy, trong một hang người nào đó, các người đực, người cái đều là đối tượng của nhau không phân biệt thế hệ, huyết thống, không phân biệt gì, miễn là làm được "chuyện ấy" là làm. Sau thời gian dài tiến hóa, mới tiến tới quan hệ theo lứa tuổi, rồi phân biệt huyết thống, trên cơ sở tách ra, tư nhân ra, tư hữu ra nhiều hang khác nhau để mà phân biệt. Sau này, ở các xã hội tiếp theo lại có những thực tế phù hợp từng xã hội. Đã là, ngủ với nhiều hay với một đàn bà là sức mạnh của đàn ông? ngủ với nhau ngày hay đêm thì đúng? Đang bàn nóng rẫy các trang báo những ngày này, nếu phát hiện ngủ giao lưu đồng thuận, thì công khai hay không công khai danh tính thằng đực, chỉ tên thằng đực thôi?. Để đưa vào Pháp lệnh? Để trình UBTV Quốc hội ký. Thế đấy.
Các đánh giá chung của đại bộ phận người dân thì được gọi là đánh giá của xã hội. Các đánh giá ý chí (không bàn sang lợi ích) riêng của một nhóm người, dù công bố công khai thì cũng không phải là đánh giá của xã hội. Xã hội xưa đánh giá chung được mặc nhiên là tiêu chuẩn đạo đức xã hội, xã hội nay nếu đánh giá đó được trưng cầu (chí ít là thăm dò) dân ý thì cũng là tiêu chuẩn xã hội hoặc được đưa vào pháp luật. Đã là tiêu chuẩn thì có thể khen chê rằng đúng hay sai? khi lời nói, hành động lệch chuẩn nhiều hay ít, đã đưa vào pháp luật thì có thể vi hoặc không vi phạm, nếu là pháp luật hình sự thì gọi có hay không có tội.
Hãy trong thực tại, vô tư với quá khứ và ít biết về tương lai. Hãy làm chủ tư duy chính mình để không chê quá khứ là thối nát hay ca tụng vinh quang. Hãy ít nói về tương lai tươi sáng, bởi 85 năm rồi đã nói, vẫn nói, sẽ sáng tươi. Hãy là thế hệ mình với cái vinh cái nhục của chính mình, để con cháu mình cùng đi tới. Mãi mãi chôn vùi điệp khúc : Hôm kia thối nát, hôm qua vinh quang và ngày mai tươi sáng, mãi mãi hãy chôn vùi, đừng lặp lại vì hôm qua của thế hệ này chính là hôm kia của thế hệ tới mà. Hãy đi tới bằng lịch sử của mình, cái lịch sử không hẳn thối nát cũng chẳng đầy vinh quang, chỉ là lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét